Hiện nay, nhiều khu vực ở nước ta có dịch sốt xuất huyết, cộng thêm đang trong mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho dịch sốt xuất huyết bùng phát. Trước thực tế này, các bạn cần làm gì để bảo vệ tất cả các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ. Khỏe Việt sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết nhất về bệnh sốt xuất huyết, với những kiến thức cơ bản về bệnh như nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa để có hướng đối phó với bệnh kịp thời.

Nguyên nhân

Sốt xuất huyết là bệnh lây truyền cấp tính do virus Dengue gây ra và muỗi vằn Aedes Aegypti là vật chủ lây truyền virus Dengue. Virus Dengue xâm nhập vào cơ thể người thông qua vết muỗi đốt từ những muỗi mang mầm bệnh. Bệnh lây lan và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết, trụy tim mạch, thậm chí có thể gây tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Muỗi vằn – nguyên nhân gây mầm bệnh sốt xuất huyết

Muỗi vằn Aedes Aegypti – vật chủ lây truyền virus Dengue sống chủ yếu ở các vũng nước đọng nhân tạo như bể chứa lâu ngày, chậu cây thủy sinh, nước đọng trong lốp xe…Muỗi Aedes Aegypti hút máu vào ban ngày, đặc biệt là vào sáng sớm và chiều tà (trước khi mặt trời lặn). Các bậc phụ huynh lưu ý đây là 2 thời điểm mà trẻ nhỏ rất thường hay vui đùa, có thể ở những nơi thiếu ánh sáng nên rất dễ bị muỗi đốt mà bạn không hề hay biết.

Đọc thêm bài viết Dấu Hiệu Sốt Xuất Huyết Ở Trẻ Em

Các giai đoạn bệnh và triệu chứng bệnh sốt xuất huyết.

Dưới đây là những triệu chứng điển hình khi trẻ em bị sốt xuất huyết thông qua 3 giai đoạn tiến triển của bệnh:

Giai đoạn khởi phát (giai đoạn sốt)

Triệu chứng điển hình của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em giai đoạn khởi phát đó là sốt. Bé sốt cao liên tục và đột ngột trên 38°C. Ngoài ra bé còn có các dấu hiệu khác như: quấy khóc, bỏ bú, chán ăn, buồn nôn, nôn trớ, mệt mỏi, xuất huyết ở lỗ chân lông, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam,…

Ở những bé lớn hơn, bé có thể cho bạn biết rằng bé bị nhức đầu, đau hốc mắt, đau nhức khắp các cơ và khớp. Và đặc biệt, dấu hiệu mà bố mẹ dễ nhận biết nhất đó là tình trạng da sung huyết, xuất hiện những đốm đỏ dưới chân lông trẻ. Ngoài ra, một số bé còn bị xuất huyết đường tiêu hóa, nôn hay đi ngoài ra máu.

Giai đoạn nguy cấp

Những biểu hiện thường thấy khi trẻ bị sốt xuất huyết

Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh, đây là giai đoạn cực kỳ nguy hiểm. Lúc này virus đã làm suy yếu hệ miễn dịch, số lượng tiểu cầu, bạch cầu đã giảm đáng kể, trẻ có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Các biểu hiện có thể gặp là:

  • Dịch tràn phổi có thể khiến bé sưng phù ở bụng
  • Xuất huyết nghiêm trọng: Chấm xuất huyết rải rác dưới da hoặc ban xuất huyết thường ở mặt trong hai cánh tay, mặt trước hai cẳng chân, vùng bụng, đùi,…hoặc mảng bầm tím.
  • Phù nề vùng ổ mắt, tụt huyết áp.
  • Xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen/có máu), tiểu ra máu.
  • Chảy máu cam, chảy máu chân răng.
  • Nếu nặng có thể có biểu hiện sốc: vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, thân nhiệt có thể hạ đột ngột .

Ở giai đoạn này, nếu trẻ không được chữa trị kịp thời, tình trạng xuất huyết nghiêm trọng và trụy tim mạch xuất hiện có thể dẫn đến tử vong ở trẻ.

Giai đoạn hồi phục

Sau 2 – 3 ngày qua khỏi giai đoạn nguy hiểm, đây là giai đoạn bé dần hồi phục nếu được chăm sóc và chữa trị kịp thời. Các dấu hiệu điển hình là:

  • Bé bắt đầu hạ sốt, hết sốt.
  • Có cảm giác thèm ăn, khát nước.
  • Số lượng tiểu cầu, bạch cầu tăng lên.

Phương pháp điều trị bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em

Bệnh sốt xuất huyết do virus gây nên và không có kháng sinh đặc trị nào để chữa trị. Biện pháp điều trị chính vẫn là giảm triệu chứng bệnh.

Nên cho trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng cách

Sau đây là hướng dẫn chăm sóc khi trẻ bị sốt xuất huyết:

  • Theo dõi sát thân nhiệt của trẻ, nếu nhận thấy trẻ sốt lên phải báo ngay cho nhân viên y tế.
  • Phối hợp dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt chứa Aspirin, Ibuprufen.
  • Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
  • Đặc biệt chú ý tới việc vệ sinh da cho trẻ, tắm nhanh bằng nước ấm trong phòng kín gió khi trẻ không sốt. Nên cho trẻ mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi
  • Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như: cháo, bột, sữa. Không cho trẻ dùng các loại thức ăn, nước uống có màu nâu/đỏ (coca, pepsi, dưa hấu, socola…) vì khó phân biệt khi trẻ có nôn ra máu.
  • Nên cho trẻ uống nhiều nước như nước đun sôi để nguội, nước dừa, cam, chanh.
  • Theo dõi sát tình trạng của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng để xử trí kịp thời như: Vật vã, lừ đừ, li bì; Đầu chi lạnh, da ẩm, hạ thân nhiệt; Đau bụng, đau ngực, khó thở; Chảy máu cam, chảy máu chân răng; Nôn nhiều, nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc có máu, tiểu ít.

Đọc thêm bài viết Viêm Phế Quản Co Thắt Ở Trẻ Em

Những lưu ý khi điều trị bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em

Khi nhận thấy bé có các dấu hiệu của bệnh, bạn cần đưa con đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kịp thời thăm khám và chẩn đoán. Nếu tình trạng nặng, bé cần nhập viện ngay để được điều trị kịp thời.

Không cạo gió. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt có chứa Aspirin, Ibuprufen vì các thuốc này làm tăng nguy cơ gây xuất huyết.

Nên theo dõi, giám sát tình trạng của trẻ

Sau đây là hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà trong các trường hợp nhẹ:

  • Cho bé nghỉ ngơi đầy đủ
  • Bổ sung đủ nước và các chất điện giải
  • Dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ (đối với trẻ nhỏ nên dùng paracetamol, tuyệt đối không dùng aspirin hay ibuprofen)
  • Theo dõi bé và kiểm tra thân nhiệt liên tục.
  • Cho bé ăn thức ăn mềm, dễ tiêu như ăn cháo, uống sữa hoặc súp,. . .

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy), phòng chống muỗi đốt. Để phòng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, bạn cần lưu ý một số vấn sau:

  • Không cho bé chơi gần những nơi ao tù nước đọng, những nơi nhiều cây cối, góc tối đặc biệt là vào sáng sớm hoặc chiều tà.
  • Cho con mặc quần áo dài tay khi vui chơi ngoài trời
  • Cho con ngủ mùng
  • Dùng bình diệt muỗi, nhang muỗi để xua muỗi
  • Thường xuyên dọn dẹp nhà, xung quanh sạch sẽ để muỗi không có nơi trú ẩn
  • Nếu gia đình có người mắc bệnh, mọi thành viên trong gia đình phải ngủ mùng, cách ly người bệnh để tránh trường hợp muỗi đốt người bệnh và truyền virus gây bệnh cho người khác.

Trên đây là bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em và những điều cần biết, hy vọng đã cung cấp cho các bạn những thông tin cần thiết và bổ ích nhất. Khỏe Việt hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *